Tai tượng đuôi chồn, có tên khoa học: Acalypha hispida. Là loài thực vật thuộc chi Cỏ tai tượng. Loài hoa này có nguồn gốc từ châu Đại Dương, hiện mọc dại tại nhiều nơi thuộc Bắc Mỹ, bao gồm cả Hoa Kỳ, Mexico và Belize. Tại Việt Nam, cây được trồng làm cảnh ở nhiều nơi.
Tai tượng đỏ là cây thân gỗ nhỏ, nhiều cành lá mọc so le, có phiến to, chóp nhọn, mép có răng cưa đều, màu lục hay đỏ, dài 8-15 cm. Hoa xếp thành bông dài ở đầu cành hoặc kẽ lá, có mầu đỏ, quả nang. Cây thường mọc hoang ở nhiều địa phương trong cả nước, cũng được trồng làm cảnh do có hoa đẹp. Theo Đông y, cây tai tượng có nhiều tác dụng khác nhau tùy thuộc bộ phận dùng làm thuốc. Rễ tai tượng có vị ngọt, hơi cay, tính hàn, có tác dụng tiêu tích trệ, khu phong, lợi thấp, được dùng chữa phong thấp, đau nhức, trừ giun đũa. Lá vị đắng, cay, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu thũng, sát trùng, được dùng chữa táo bón, ghẻ, tê thấp, đau nhức. Hoa và cành có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chữa bệnh ngoài da…
Một số bài thuốc Nam thường dùng trong dân gian: Chữa ghẻ: Lá cây tai tượng đỏ 150 g, lá xoan 50 g, rau sam 50 g. Nấu nước tắm ngày 1 lần, liên tục 5-7 ngày. Có thể sắc đặc dùng để bôi lên tổn thương. Chữa mụn nhọt: Hoa tai tượng đỏ 12 g, bồ công anh 20 g, sài đất 12 g, kim ngân hoa 20 g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần. Chữa táo bón: Hoa tai tượng đỏ 5 g, rau diếp cá 20 g, vừng đen 20 g. Sắc uống ngày một thang. Chữa thấp khớp: Rễ tai tượng đỏ 5 g, dây đau xương, rễ cỏ xước, rễ bạch hoa xà, tang ký sinh mỗi thứ 12 g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần. Uống liên tục 15-20 thang.