Theo Đông y, Ðậu ván có vị ngọt, tính hơi ấm; có tác dụng bổ tỳ vị, điều hòa các tạng, giải cảm nắng, trừ thấp và giải độc. Nhân dân dùng quả non và hạt non, hoa và lá còn non làm rau luộc hay xào ăn. Hạt khô luộc bỏ vỏ dùng nấu chè, làm nhân bánh ăn ngon. Hạt đậu ván có thể làm tương như đậu nành, chế biến bột dinh dưỡng sau khi rang vàng bỏ vỏ hay sấy ở nhiệt độ 100-103oC trong 3-5 giờ.
Kỹ thuật trồng đậu ván xanh
Ngâm ủ và gieo hạt
Ngâm hạt giống đậu ván trong nước ấm 30 phút (nhiệt độ từ 50-52 độ C) và ủ vào khăn ấm khoảng 1 ngày hạt nứt thì đem gieo.
Gieo hạt với khoảng cách 1,5-2m nếu diện tích sân thượng hoặc ban công rộng. Trong mỗi chậu gieo từ 3-5 hạt. Sau khi gieo hạt xong thì phủ lên lớp đất mỏng từ 1-2cm. Tưới bằng vòi phun nhẹ. Che phủ kín lớp hạt mới gieo khoảng 2 ngày. Tưới ngày 2 lần.
Bạn có thể bỏ qua bước ngâm ủ và gieo hạt trực tiếp. Tuy nhiên tỷ lệ nảy mầm sẽ thấp và cây lâu nảy mầm hơn.
Chăm sóc
Khoảng 10 ngày đầu mới gieo trồng thì tưới nước ngày 2 lần cho đậu ván. Quãng thời gian sau thì ngày tưới nước 1 lần.
Khi cây được khoảng 10 ngày tuổi thì tỉa bớt các cây còi, để lại mỗi thùng xốp 2-3 cây.
Ở giai đoạn cây được 15 ngày tuổi, bón lót cho cây bằng phân hữu cơ, phân bò, phân trùn quế, phân dê, phân gà… Cứ 20 ngày tiến hành bón 1 đợt.
Khi cây bắt đầu ra tua cuốn là thời điểm cần phải làm giàn cho cây leo. Bạn có thể làm giàn chữ A hoặc làm giàn như giàn bầu, đậu cove… Sau khi cây ra hoa, nên tưới nước vào rễ chứ không tưới trực tiếp vào hoa.
Thu hoạch
Khi thấy hoa ở đầu trái vừa héo khô thì thu hoạch. Nếu muốn ăn trái non thì không nên để quá lâu vì khi ăn sẽ bị xơ. Bạn cũng có thể để cho quả khô và thu hoạch hạt để nấu chè hoặc làm giống cho những vụ sau. Nếu chăm sóc tốt, một giàn đậu ván có thể cho thu hoạch từ 3-4 năm.